Rau dền hỗ trợ trị tăng huyết áp

Theo dược tính hiện đại, trong 100g rau dền có 22 Kcal trong đó có 91g nước, 4g protein, 3g glucid, 67mg photpho, 500mg kali, 242mg canxi, 105mg magiê, 0,5mg mangan, 2mg nicotinamid, 45mg vitamin C, lutein, athocyanosid (rau dền đỏ). Rau dền giàu vitamin A, B, C, PP và chứa gần 10 acid amin cùng nhiều dưỡng chất rất có lợi cho sức khỏe.

Rau dền ăn mềm, bổ dưỡng, dễ chế biến sử dụng thích hợp nhiều lứa tuổi. Nó còn là vị thuốc rất quý chữa táo bón, mụn nhọt, huyết áp tim mạch hiệu quả và một số bệnh liên quan đến nóng nhiệt.

Theo y học cổ truyền, rau dền canh có vị ngọt, tính mát. Tác dụng thanh nhiệt, giải độc, mát gan, lợi đại tiểu tiện, cầm máu, chữa nóng nhiệt, táo bón, kiết lỵ, tiểu buốt gắt, mụn nhọt, tăng huyết áp, gan nhiễm mỡ…

Những người bị bệnh huyết áp nên ăn rau dền.

Những người bị bệnh huyết áp nên ăn rau dền.

Những ai nên ăn rau dền?

Người bị huyết áp, tim mạch nên ăn rau dền, vì rau dền rất giàu kali 500mg, là chất có vai trò cho sự hoạt động bình thường của cơ tim. Rau dền tác dụng thanh nhiệt, mát gan, hỗ trợ điều trị tăng huyết áp “thể can hỏa vượng”, biểu hiện đau đầu chóng mặt, bốc nóng lên đầu… Ngoài ra, tác dụng lợi tiểu, giảm bớt thể tích máu cũng giúp hạ huyết áp.

Rau dền rất thích hợp với người đái tháo đường, kèm táo bón vì rau dền giàu magiê 105mg, là chất có vai trò chữa trị đái tháo đường, tăng huyết áp, táo bón…

Rau dền rất tốt cho trẻ em còi cọc chậm lớn và người thiếu máu thiếu sắt. Nếu trẻ em thiếu protein sẽ chậm lớn, tầm vóc thấp bé khi trưởng thành. Rau dền chứa nhiều protein, sắt.

Rau dền rất tốt cho người cao tuổi đau nhức do loãng xương, vì rau dền có chứa nhiều canxi, photpho, có vai trò ngăn ngừa loãng xương.

Một số món ăn bài thuốc có rau dền

Chữa đi lỵ táo bón: lá rau dền, lá mơ lông thái nhỏ trộn trứng gà thêm gia vị vừa đủ hấp ăn.

Chữa chứng người nóng nhiệt nổi mụn: rau dền đỏ 200g luộc ăn cả cái lẫn nước.

Hỗ trợ trị tăng huyết áp: rau dền khoảng 250g, trai đồng vài con cho thêm gia vị gừng hành vừa đủ nấu canh ăn tuần vài lần.

Chữa chứng viêm họng ho khan: rau dền 200g, lạc 100g, giã nhỏ nấu canh.

Chữa chảy máu đường tiết niệu, chảy máu đường tiêu hóa do nhiệt: rễ rau dền phối hợp với rễ bí tươi 40-60g hoặc khô 15-20g, sắc uống.

Lương y Minh Phúc

Ngũ vị tử an thần, liễm phế

Ngũ vị tử là quả chín phơi hay sấy khô của cây ngũ vị (Schisandra sinensis Baill.), thuộc họ ngũ vị tử (Schisandraceae). Nam ngũ vị tử là quả của cây nắm cơm (Kadsura japonica L.), cùng thuộc họ ngũ vị tử. Ngũ vị tử vị chua, tính ôn; vào kinh phế và thận, là vị thuốc trị viêm khí phế quản mạn tính gây hen suyễn, sốt, khát nước, hồi hộp, tim đập loạn nhịp, mất ngủ, giảm trí nhớ. Hằng ngày dùng 4 - 8g.

Ngũ vị tử được dùng làm thuốc trong các trường hợp:

Chữa chứng phế hư, ho hen suyễn: đảng sâm 12g, mạch môn đông 12g, ngũ vị tử 6g, tang phiêu tiêu 12g. Sắc uống.

Ngũ vị tử là quả chín phơi sấy khô của cây ngũ vị tử.

Chữa chứng cơ thể hư nhược, ra nhiều mồ hôi: bá tử nhân 125g, bán hạ 125g, mẫu lệ 63g, nhân sâm 63g, ma hoàng căn 63g, bạch truật 63g, ngũ vị tử 63g, đại táo 30 quả. Đại táo nấu nhừ, nghiền nát, loại bỏ hạt. Các vị khác nghiền chung thành bột mịn, nhào với nước đặc đại táo để làm hoàn bằng hạt ngô. Ngày uống 2 lần, mỗi lần 20 - 30 viên.

Chữa chứng tân dịch không đủ, miệng khô, khát nước: đảng sâm 12g, mạch đông 12g, ngũ vị tử 6g. Sắc uống.

Chữa suy nhược thần kinh: ngũ vị tử 40g, rượu 200ml, ngâm làm hai lần, mỗi lần 100ml, cách 10 ngày. Trộn 2 thứ rượu thuốc với nhau, có thể thêm ít nước cất cho loãng. Ngày 3 lần, mỗi lần uống 2,5ml.

Chữa suy nhược thần kinh, hồi hộp, đánh trống ngực, mất ngủ: rượu 500ml, nhân sâm 10 - 20g, ngữ vị tử 30g, câu kỷ tử 30g. Ngâm 7 ngày. Uống trước khi đi ngủ 15 - 20ml.

Chữa hồi loạn nhịp tim, mất ngủ, thở gấp, vã mồ hôi, kích ứng, khát nước: tim lợn 1 cái, ngũ vị tử 9g. Tim lợn rạch mở, rửa sạch, cho ngũ vị tử vào, khâu lại, hầm cách thủy.

Chữa thận dương hư, hoạt tinh: tang phiêu tiêu 12g, ngũ vị tử 8g, long cốt 12g, Phụ tử 12g. Làm thành viên hoàn, hoặc sắc uống.

Chữa viêm gan mạn tính: ngũ vị tử sao khô tán mịn, mỗi lần uống 3g, ngày 3 lần. Đợt dùng 30 ngày, uống với nước sôi hoặc nước cơm, thêm chút muối đường.

Kiêng kỵ: người bên ngoài có biểu tà, trong có thực nhiệt không được dùng; người viêm khí phế quản mới có ho, sốt không dùng.

BS. Tiểu Lan


Rau cải bợ: giải nhiệt, thông tiện

Nhân dân ta hay hái về làm rau ăn sống, làm thuốc giải nhiệt, thông tiểu tiện, chữa bạch đới, khí hư, mất ngủ… Có nơi giã nát cây tươi để đắp lên những chỗ sưng đau, sưng vú, tắc tia sữa... Sau đây là 9 bài thuốc trị bệnh từ rau bợ:

1. Chữa chứng trong người quá nóng, sinh mụn nhọt: Ngày khoảng 18-20g rau bợ tươi rửa sạch, giã nát vắt lấy nước cốt (thêm chút nước khi vắt cho lợi nước), hòa vào 1 bát nước, chia 3 lần uống trong ngày, bã đắp chỗ mụn (Hoa hạ kỳ phương).

Rau bợ

Rau bợ làm rau ăn sống, làm thuốc trị bí tiểu, mụn nhọt.

2. Chữa bí tiểu, tiểu nóng: rau bợ (cả cuống) nửa cân phơi khô tự nhiên, mỗi ngày dùng 16g rau bợ khô, sắc với 3 bát nước, còn 1 bát thì chia làm 3 lần uống, cách nhau 3 giờ, uống liền trong 2 - 3 ngày thì khỏi. Số rau bợ khô còn lại 3 ngày sắc uống 1 lần, liều lượng như trên thì bệnh dứt hẳn (Hoa hạ kỳ phương).

3. Chữa bạch đới: Ngày dùng 20g rau bợ khô (phơi khô tự nhiên trong mát) sắc với 3 bát (ăn cơm) nước còn 1 bát, chia làm 3 lần uống trong ngày, mỗi lần uống cách nhau 3 - 4 giờ, uống nóng. Đồng thời dùng khoảng 32g rau bợ khô, nấu 1 nồi nước, pha thêm chút nước để cho bớt nóng, đổ ra chậu, ngồi ngâm và rửa kỹ cửa mình (âm hộ). Có thể tăng thêm lượng rau nấu cho nước ngâm đặc thêm càng tốt (Hoa hạ kỳ phương).

4. Chữa chứng sưng vú (vú và núm vú bị sưng đau): dùng 1 nắm rau bợ tươi rửa sạch, giã nát, trộn với 1 ít nước vắt lấy nước cốt, hòa vào 1 ly nước đun sôi để nguội, chia làm 2 lần uống trong ngày, bã đắp lên chỗ bị sưng đau. Dùng phương này liền trong 2-3 ngày thì khỏi (Dã Thái trị bách bệnh dân gian liệu pháp).

Cỏ chua me

Cỏ chua me (dễ nhầm lẫn với rau bợ).

5. Chữa tắc tia sữa: dùng 20g rau bợ khô, sắc với nửa siêu nước, còn 1 bát chia làm 2 lần uống trong ngày, cách nhau 4 giờ, bã dùng vải bọc khi còn đang nóng chườm, vuốt xuôi từ trên vú xuống (Đắc hiệu phương).

6. Chữa bỏng:hái lá rau bợ tươi, rửa sạch, giã nát đắp lên chỗ bị bỏng. Rất hay (kinh nghiệm dân gian).

7. Trị đái tháo đường, tiêu khát: cỏ bợ khô và thiên hoa phấn lượng bằng nhau, tán nhỏ, hòa với sữa uống.

8. Sưng lở, nổi mẩn do nhiệt: cỏ bợ tươi giã nát để xoa hoặc vắt lấy nước uống.

9. Sỏi thận, sỏi bàng quang: cỏ bợ tươi giã nát, thêm nước, gạn lấy nước uống vào buổi sáng, mỗi lần 1 bát, liên tiếp 5 ngày. Dùng riêng hoặc phối hợp với ngọn non cây dứa dại 20g, cây ngải cứu 10g, cây phèn đen 10g. Thêm nước gạn uống.

Lưu ý: Tránh nhầm cỏ bợ với cỏ chua me lá hình tim chụm lại.

BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG

Tỏi

Tỏi là loại gia vị không thể thiếu trong rất nhiều món ăn. Đặc biệt, nó còn được nhiều quốc gia dùng làm thuốc phòng trị nhiều bệnh rất độc đáo.

Theo Sách Dược tính chỉ nam: “Tỏi vị thuốc gọi Đại toán, vị cay tính ấm, có độc, tác dụng thông được 5 tạng, lợi được các khiếu, khai vị kiện tỳ trừ được chứng khí lạnh, chứng ôn dịch tiêu được những độc ung nhọt, phá được chứng trưng hà báng tích, tiêu được thức ăn bằng cá bằng thịt, giải được nọc rắn, chứng trúng nắng mê man, chứng đổ máu cam…”.

Tài liệu gần đây cho biết dùng tỏi giảm mỡ máu, ngăn ngừa huyết áp, tim mạch… Tỏi còn được coi như một loại kháng sinh đa năng có thể ức chế trên 70 loại vi khuẩn, siêu vi, ký sinh trùng. Sau đây là một số món thuốc dùng tỏi:

Chữa viêm mũi dị ứng: khi gặp lạnh hắt hơi, ngứa mũi chảy nước mũi. Dùng tỏi vài tép cắt ra từng lát đắp lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền).

Tỏi giã nát đắp lòng bàn chân (huyệt dũng tuyền) trị chảy máu cam rất hiệu quả.

Chữa chứng trẻ em chảy máy cam do hư hoả: Dùng tỏi giã nát rịt lòng bàn chân (dũng tuyền). Nếu chảy máu cam bên mũi phải, đắp tỏi lòng bàn chân bên trái và ngược lại bên đối diện.

Chữa chứng cước khí: khi gặp gió rét, hơi lạnh đám ma làm chân tay sưng đau, dùng tỏi giã nát xát vào hai bàn chân, nơi đau cho nóng lên là yên.

Chữa tâm hàn thống: khi gặp lạnh, tâm hồi hộp, tức ngực khó thở. Dùng tỏi ngâm giấm ngày ăn 2 - 4 tép.

Chữa mỡ máu cao: người thừa cân, mỡ máu cao, bụng đầy chậm tiêu do tỳ hư thấp trệ. Dùng tỏi xào bông bí hoặc hoa lý ăn tuần vài lần.

Chữa béo phì, mỡ máu cao, tăng huyết áp: Dùng tỏi ngâm dấm, ăn ngày 2-3 tép, nên ăn nhiều ngày.

Chữa tăng huyết áp: Dùng tỏi ngâm dấm ăn ngày 2-3 tép. Hoặc đậu trắng 100g, tỏi 100g cho 2 lít nước nấu còn 1 chén uống 3 lần trong ngày, một tháng ăn một vài lần.

Chữa trị cảm cúm: Dùng tỏi giã nhỏ hãm nước sôi chắt lấy nước, nhỏ vào mũi cho mọi người trong ngày vài lần.

Chữa khớp chân sưng đau: tỏi 30g, rau chân vịt 200g, cà rốt, khoai tây gia vị hầm ăn tuần vài lần.

Chữa rắn cắn: dùng tỏi giã vắt lấy nước cốt uống, bã đắp nơi rắn cắn.

Chữa bụng đầy đau: sau khi ăn thịt cá bụng đầy đau khó tiêu. Dùng 1 vài nhánh tỏi khô hoặc tỏi tươi ăn sống.

U xơ tử cung, u xơ tuyến tiền liệt: dùng tỏi non làm gỏi, làm rau ăn, tỏi củ xào rau cải hoặc hoa lý ăn tuần vài lần.

Kiêng kỵ: tỏi vị cay tính ấm, không nên dùng với người đau mắt sưng đỏ (can hoả), chứng ho khan đàm vàng (phế nhiệt), lưng nóng đi tiểu vàng, ít do thận hoả, người hay bị lở miệng, môi nứt do vị hoả; người bứt dứt khó ngủ do tâm hỏa; người mắc các chứng xuất huyết, chảy máu, người nóng “do hỏa” cần nên kiêng tỏi.

Lương y: Minh Phúc

Hoa chơi tết đều là vị thuốc quý!

Hoa đào: tính bình, vị đắng, không độc. Lợi đại tiểu tiện, trục giun sán, tan sỏi thận, thông kinh huyết, hóa đàm, chữa điên loạn. Có sách nói nếu hoa đào để nguyên cuống có tác dụng mát máu, giải độc, chữa lên sởi, lên đậu. Cách dùng sắc uống hoặc tán bột 4 - 8g. Dùng ngoài tán bột rắc lên vết thương hoặc giã đắp. Không dùng cho người có thai.

Chữa thủy thũng:hoa đào lượng vừa đủ, nghiền bột mỗi lần lấy 6g cho vào nước cháo loãng, uống lúc đói. Ngày 3 lần hoặc nấu cháo hoa đào ăn.

Chữa táo bón: bột hoa đào 30g bột mì 100g làm bánh ăn hoặc bột hoa đào 10g, chia 2 lần hòa nước ấm uống lúc đói.

Hoa đào để nguyên cuống có tác dụng mát máu, giải độc, chữa lên sởi, lên đậu

Hoa đào để nguyên cuống có tác dụng mát máu, giải độc, chữa lên sởi, lên đậu

Đau eo lưng: hoa đào 100g, gạo nếp 500g, hoa đào giã vụn, trộn gạo nếp cho nước nấu thành cơm khô để nguội rồi cho men rượu ủ thành cơm rượu dùng dần.

Bế kinh: hoa đào 25g ngâm vào 250ml rượu trong 1 tuần. Mỗi lần uống 10ml hòa với nước ấm hoặc hoa đào 10g cho vào cơm rượu 50g trộn đều, chưng cách thủy cho nhừ hoa để bớt nóng, ăn cả cơm và hoa. Ngày 1 lần, liền 1 tuần.

Sỏi thận: hoa đào, hổ phách lượng bằng nhau. Nghiền hoa đào trộn đều với hổ phách mỗi lần 6g cho vào 1 tô lớn nước, nấu trong nửa giờ, lọc lấy nước uống. Ngày 2 lần.

Mặt bị phong lở ngứa: hoa đào, nhân hạt bí đao, lượng bằng nhau. Gộp 2 thứ tán bột hòa mật mía, bôi vào chỗ lở ngứa.

Hoa mai trắng: mai trắng được nói nhiều về dược tính của nó từ lâu đời, so với mai vàng. Mai trắng tính mát vị chua chát không độc. Công năng khai vị, tan uất kết, bình can hòa vị, lợi phế khí, hóa đàm, an thần định phách giải đậu độc. Dùng dạng sắc, bột hoặc viên hoàn, đắp dán ngoài.

Chữa mất ngủ: hoa mai trắng 5g, hoa hợp hoan 10g, rượu cúc 50ml, cho 2 hoa vào rượu chưng cách thủy cho nhừ hoa để ấm, uống sau bữa cơm tối 1 giờ.

Chữa chán ăn: hoa mai trắng 6g, hoa đậu ván trắng 15g, quả sơn tra khô 20g, trộn đều 3 thứ rồi chia đều 3 phần để dùng làm 3 lần. Khi dùng lấy 1 phần cho vào ấm rót nước sôi già để cho nguội bớt, rót ra uống.

Chữa viêm họng: hoa mai trắng 6g, hoa dành dành 5g, trà xanh 20g, gộp 3 thứ lại trộn đều chia ra 5 phần để dùng mỗi lần 1 phần cho vào tách nước sôi già cho ngấm rồi uống.

Chữa trúng nắng: nước cất hoa mai trắng, nước cất hoa kim ngân, mỗi thứ 50ml hòa 2 thứ lại, thêm 1 lượng nước 100ml đun sôi để nguội chia 2 lần uống. Mùa hè nắng gắt, trước khi đi ra nắng nên uống nước này phòng trúng nắng.

Phòng chữa lên sởi, lên đậu: hoa mai 100 bông hái vào sáng sớm khi còn đẫm sương của tháng 12 âm lịch. Đem số hoa đó ướp vào đường trắng, mỗi lần ăn 3 - 5 bông. Ngày ăn 3 lần.

Đậu mùa mới phát: hoa mai trắng phơi khô tán bột nhào mật mía viên bằng hạt đậu xanh 1 tuổi uống 1 viên. Thêm mỗi tuổi uống thêm 3 viên. Ngày 3 lần với nước nóng.

Hoa hải đường: tính lương, vị chua đắng, vào 2 kinh tâm - can. Công năng hoạt huyết tán ứ, lương huyết, chỉ huyết, điều kinh chỉ đới, an thần, ích can, lợi đởm. Dùng chữa các trường hợp xuất huyết, thổ huyết, ho ra máu, chảy máu cam, kinh nguyệt không đều, băng lâu đới hạ, lỵ.

Phong thấp tý: hải đường 8g, cốt toái bổ 12g, tang ký sinh 16g, nấu nước uống thay trà.

Hoa hải đường

Hoa hải đường

Kinh nguyệt không đều, băng đới: hải đường 12g, đương quy 8g, nấu nước uống.

Thổ huyết, tức ngực, đoản hơi: hải đường 12g, cát cánh 8g, phổi lợn 200g. Nấu chín uống nước, có thể ăn phổi.

Cường kiện, khỏe lưng, chân: hoa hải đường 10 bông, cá thu đủ ăn 1 - 2 bữa. Nấu hoa với cá bằng lửa to cho sôi rồi hạ lửa, cho 1 thìa rượu, gia vị.

Hoa đỗ quyên: tính ôn, vị chua, vào 2 kinh can tỳ. Có công năng hòa huyết, điều kinh, hóa đờm, giảm ho, chữa phong thấp, chống ngứa. Chữa kinh nguyệt không đều, bế kinh băng lậu, trật đả chấn thương, thổ huyết, chảy máu cam.

Hoa đỗ quyên

Hoa đỗ quyên

Ho, thổ huyết: hoa đỗ quyên 12g sắc uống thay trà.

Mệt mỏi, bồn chồn: hoa đỗ quyên với hoa hồng đều 8g. Hãm uống nóng thay trà.

Phụ nữ khí hư ra nhiều: hoa đỗ quyên 1 bông, móng lợn 2 bộ. Móng lợn rửa thật sạch, bổ đôi, trần nước sôi để ráo. Hoa đỗ quyên bỏ nhị, rửa sạch để ráo. Cho tất cả vào nồi với 4 bát nước. Đun sôi nhỏ lửa trong nửa gờ. Nêm gia vị ăn cái uống nước.

Phụ nữ kinh nguyệt không đều, thân thể khô gầy: hoa đỗ quyên 5 bông, gan lợn 5 lạng, hành củ 1 củ, rượu 1/2 thìa, gia vị vừa đủ, 3 bát nước nấu sôi gan lợn rồi mới cho hoa đỗ quyên vào cùng gia vị.

Điều kinh, trừ phong thấp: hoa đỗ quyên 3 bông tách rời từng cánh, rửa sạch để ráo. Cho vào ấm con khoảng 200ml nước sôi kỹ. Uống thay trà.

Hoa thủy tiên: tính hàn, vị cay đắng vào 3 kinh tâm - phế - can. Hơi có độc! Có công dụng khu phong, tán nhiệt, hoạt huyết điều kinh tiêu thũng, giải độc. Chữa ung thũng nhọt độc, viêm tuyến vú cấp, viêm tuyến mang tai…

Răng, sưng đau, cổ gáy đau: hoa thủy tiên 8g, đường trắng một ít. Sắc uống.

Tiểu tiện không thông, trướng bụng: củ thủy tiên 1 củ rửa sạch bỏ vỏ thô, dùng dao thái nhỏ giã nhuyễn đắp vào lòng bàn tay, bàn chân (huyệt dũng tuyền).

Mụn nhọt đinh độc: củ thủy tiên và hoa giã nhuyễn đắp tại chỗ. Nếu phối hợp rễ cây thuốc, lá phù dung càng tốt.

Bộ phận có độc: toàn cây nhất là phần thân hành (củ) triệu trứng ngộ độc. Nôn mửa, thở nhanh, sốt, co giật cơ. Giải độc nên đưa đến bệnh viện cấp cứu. Nếu cần sơ cứu thì gây nôn, uống lòng trắng trứng gà…

Hoa cúc vàng: vị đắng, tính bình. Chủ trị các chứng phong, váng đầu, sưng đau mắt, chảy nước mắt sống, da thịt teo cứng, chứng ác phong tê bại, làm lợi huyết mạch, trị các chứng nhọt độc, lở loét ngoài da, làm đẹp da. Thanh can nhiệt, hoa cúc dùng làm thuốc. Lá non có thể làm món ăn sống hay nấu cháo, canh, pha ướp trà, nấu rượu. Hoa cúc cũng dùng tươi nấu canh, khô pha trà.

Hoa cúc

Hoa cúc

Chữa chứng nhìn lâu mỏi mờ mắt dùng hoa cúc làm gối. Hoa cúc 2kg phơi khô làm ruột gối đầu. Dùng thời gian 1 - 2 tháng sẽ có hiệu quả.

Công dụng và cách dùng đã có nhiều hướng dẫn trong các sách thuốc xưa và nay. Ngoài cách dùng trong còn dùng hoa, lá được dùng đắp, rửa các bệnh ngoài da như: mụn, nhọt, lở loét.

Hoa hướng dương: bộ phận dùng làm thuốc: hoa, đài hoa, lá, tủy cành, rễ và hạt. Hoa hướng dương tính ôn, vị ngọt, vào hai kinh can, phế, có công năng khư phong, sáng mắt, thông thoáng mao khổng ở da, chữa đau đầu, huyễn vựng, mặt má sưng và đau răng…

Trị ho, đờm suyễn, nhuận phế nhất là chữa ho gà, thông yết hầu, đẹp nhan sắc: dùng hoa hướng dương từ 1 - 2 đóa, thêm đường phèn sắc uống.

Trị đầu choáng mắt hoa, đau đầu khó chịu, mặt má sưng đau, ngực đầy, ngắn hơi...: dùng hoa hướng dương 3 - 5 đồng, sắc uống hoặc chưng thành thang rồi thêm 1-2 quả trứng gà nấu kỹ.

Chữa chứng nổi mề đay, dễ cảm phong hàn, da dẻ quá mẫn cảm, phong chẩn nổi cục: dùng hoa hướng dương 3 đồng, hoa mào gà trắng 2 đồng, lá tử tô 5 đồng sắc uống thay trà có thể thêm đường phèn lượng thích hợp.

Chữa viêm khớp, vô danh ủng thống (phù thũng không rõ nguyên nhân), viêm tuyến vú: dùng hoa hướng dương lượng thích hợp sắc đặc thành dạng cao, đắp vào chỗ đau.

Chữa huyết áp cao: hoa hướng dương 60g, râu ngô 30g, đường đỏ 10g. Hoa hướng dương và râu ngô cho cùng nước sắc lấy 200ml, cho đường vào quấy đều chia làm ba lần uống trong ngày, cần uống ba đợt, mỗi đợt 10 ngày, giữa các đợt cần nghỉ là 5 ngày.

Chữa chứng mờ mắt: đài hoa hướng dương lượng đủ dùng, đập vào 1 quả trứng gà, đổ thêm nước nấu chín nhừ, ăn cái uống nước.

Chữa chứng nhức răng: đài hoa hướng dương 1 cái, rễ câu kỷ 1 nhúm, luộc chung với 1 quả trứng gà, khi trứng chín bóc bỏ vỏ, dùng tăm đâm vào trứng cho ngấm thuốc rồi nấu tiếp 1 lúc thì vớt trứng ăn.

BS. PHÓ THUẦN HƯƠNG

Chữa ho bằng hoa ngọc lan

Dưới đây là một số phương trị bệnh từ hoa ngọc lan.

Chữa trị ho: Hoa ngọc lan 30g, mật ong 40g, cho cả hai thứ vào bát, hấp cách thủy khoảng 20 – 30 phút sau mang ra để ăn.

Chống ho làm long đờm, lợi tiểu tiện: Hoa ngọc lan 15g, hải triết bì 2 mảnh, 1 quả dưa hồng, 1 củ cà rốt, 5 củ tỏi, 15ml dấm trắng, 5ml dầu thơm, 1 thìa xì dầu, 1 thìa đường. Hoa ngọc lan rửa sạch, bóc cánh thái nhỏ. Hải triết bì ngâm, rửa sạch, khử mùi tanh. Dưa rửa sạch, bỏ cuống rồi thái nhỏ. Cà rốt cạo vỏ, thái nhỏ. Trộn các nguyên liệu trên, thêm gia vị, rồi để hoa ngọc lan đã thái nhỏ lên trên, đổ nước đủ dùng, sắc uống ngày 1 thang.

hoa ngọc lan chữa hoHoa ngọc lan.

Chữa chứng ho, sưng đau yết hầu:

Lấy 20g hoa ngọc lan khô đem tẩm với mật ong trong 3 ngày rồi hãm uống như trà. Bài thuốc này có tác dụng chữa chứng ho do nhiễm lạnh, đau đầu, hoa mắt, tức ngực.

Chữa ho gà: Ngọc lan hoa trắng 8 cái, lá chanh 10g, gừng 3g. Sắc uống ngày 1 thang chia 3 lần. Uống 5 ngày liền.

Chữa viêm phế quản: Ngọc lan hoa trắng 7 hoa, hoa hồng bạch 5 hoa, mật ong 15ml. Tất cả cho vào bát hấp cách thủy, chia 3 lần uống trong ngày. Uống liền 3 – 5 ngày.

Làm nhuận da, kích thích tiêu hóa:6g hoa ngọc lan, 1 thìa trà xanh. Hoa ngọc lan rửa sạch bằng nước muối, vẩy cho ráo nước, để vào bát. Rót nước sôi vào bát, sau đó cho trà xanh vào. Hãm uống thay trà trong ngày.

Cải thiện thống kinh: Dùng 10g hoa ngọc lan chưa nở sắc uống thay trà vào buổi sáng. Một liệu trình là 30 ngày.

BS. Hoàng Xuân Đại

Hoa gạo: Tiêu viêm, giảm đau

Dưới đây xin giới thiệu để bạn đọc tham khảo và áp dụng khi cần.

Chữa viêm dạ dày và ruột cấp tính, tiêu chảy, đại tiện ra máu: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: hoa gạo 60g nấu với nước, thêm mật ong hoặc đường phèn, uống trong ngày.

Bài 2: hoa gạo, hoa kim ngân, phượng vĩ thảo mỗi vị 15g, sắc uống.

Bài 3: hoa gạo 30g sắc uống, chia làm 3 lần, uống trong ngày.

Chữa sưng đau vú sau sinh: rễ hoặc vỏ thân cây hoa gạo 30g sắc uống.

Chữa các bệnh viêm khớp, đau lưng, phong tê thấp: vỏ thân cây gạo 20g nấu lấy nước, bỏ bã, hòa vào chút rượu, uống lúc nóng, ngày 2 lần.

Hoa gạo: Tiêu viêm, giảm đauHoa gạo có tác dụng giảm đau khớp.

Trị vết thương phần mềm, chấn thương sưng đau: rễ và vỏ thân cây gạo ngâm với rượu, xoa bóp ngoài hoặc đem giã nát đắp vào nơi tổn thương.

Trị đau răng: vỏ thân cây gạo 20g sắc đặc, ngậm nhiều lần trong ngày.

Chữa viêm khí phế quản cấp tính: rễ gạo 30g sắc uống.

Trị ho có đờm: hoa gạo 15g, ngư tinh thảo (rau diếp cá) 15g, tang bạch bì 10g sắc uống.

Trị ho ra máu: hoa gạo 14 bông sắc kỹ, chế thêm một chút đường phèn, chia uống vài lần trong ngày.

Chữa viêm dạ dày: rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 30g sắc uống. Hoặc dùng bài: rễ, hoa hoặc vỏ thân cây gạo 30g, rễ cây lưỡng diện châm 6g sắc uống.

Chữa trĩ xuất huyết: hoa gạo 20g, quyển bá 10g, hòe hoa 15g sắc uống.

Chữa bong gân: Dùng 1 trong số bài thuốc sau:

Bài 1: vỏ cây gạo 16g (cạo bỏ vỏ ngoài, sao rượu), lá lốt 16g (sao vàng) sắc với 750ml nước, cô còn 250ml, chia uống 2 lần trong ngày.

Bài 2: lá náng, quả đu đủ non và vỏ thân cây gạo lượng bằng nhau rửa sạch, giã nhuyễn, băng vết thương.

Bài 3: rau má tươi, vỏ thân cây gạo tươi, vòi voi tươi và bồ công anh tươi lượng bằng nhau rửa sạch, giã nát, bó vào nơi tổn thương.

BS. Nguyễn Thị Ngọc Lan